image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HẢI PHÒNG (13/5/1955 - 13/5/2025) - HẢI PHÒNG TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ DÂN TỘC
Lượt xem: 8

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HẢI PHÒNG (13/5/1955 - 13/5/2025)

-----

I. HẢI PHÒNG TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ DÂN TỘC

Hải Phòng là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của Tổ quốc, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Người Hải Phòng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tính cách dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo, đã chứng kiến và tham gia vào nhiều trận quyết chiến chiến lược trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, đặc biệt với các chiến thắng trên sông Bạch Đằng: trận năm 938 của Đức Vương Ngô Quyền, trận năm 981 của Đức Vua Lê Hoàn, trận năm 1288 của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã góp phần quan trọng quyết định, củng cố nền độc lập, tự chủ dân tộc Việt Nam.

Năm 1870 - 1873, Bùi Viện, được vua Tự Đức giao phó, đã thực hiện việc xây dựng một bến cảng bên cửa sông Cấm mang tên Ninh Hải và một căn cứ phòng ngự bờ biển ở liền kế bên, gọi là nha Hải Phòng sứ. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1873-1874, tại cảng Ninh Hải, nhà Nguyễn và thực dân Pháp lập nên một cơ quan thuế vụ chung, quản lý thương mại ở vùng này gọi là Hải Dương thương chính quan phòng.

Cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, với tư cách là “Cảng lớn của Bắc kỳ”, đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế và là một trung tâm công nghiệp, Hải Phòng đã trở thành một trong những cái nôi đánh dấu sự ra đời của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam đấu tranh chống lại sự áp bức dân tộc và giai cấp của thực dân tư bản Pháp. Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước tiếp nhận và thể nghiệm Chủ nghĩa Mác-Lê nin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào trong nước, Hải Phòng có vai trò quan trọng trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm 1925-1930.

Đầu tháng 4/1929, tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng được thành lập. Tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng được thành lập, là một trong số ít những tổ chức đảng ra đời đầu tiên ở trong nước.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của Nhân dân Hải Phòng diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Hải Phòng là một trong những trung tâm của phong trào cách mạng cả nước trong các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945. Trong cao trào kháng Nhật cứu nước, Hải Phòng-Kiến An là nơi phong trào Việt Minh phát triển mạnh. Ngày 12/7/1945, Nhân dân Kim Sơn (Kiến Thuỵ) vùng lên lập Uỷ ban giải phóng, kháng Nhật thắng lợi. Tiếng trống Kim Sơn đã mở đầu cho quá trình khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám 1945 ở vùng Duyên hải Bắc bộ. Theo lệnh tổng khởi nghĩa, chỉ trong vòng 10 ngày từ 15 đến 25/8/1945, chính quyền tay sai các cấp của địch ở Hải Phòng, Kiến An đã bị lực lượng cách mạng đập tan, chính quyền cách mạng được thiết lập. Nhân dân Hải Phòng cùng với Nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do, xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Song do dã tâm xâm lược, thực dân Pháp lại gây hấn, tiến hành cuộc chiến tranh mới, quyết tâm tiêu diệt Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Ngày 20/11/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Hải Phòng. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình của Đảng, với tinh thần và ý chí quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cùng với toàn thể Nhân dân Việt Nam, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng - Kiến An đã tiến hành thành công cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện ngay trong vùng địch tạm chiếm sâu, lập nhiều chiến công xuất sắc, làm nên truyền thống “đường 5 anh dũng”, “đường 10 Quật khởi”, “Cát Bi rực lửa”… góp phần xứng đáng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

II. CUỘC CHIẾN ĐẤU BA TRĂM NGÀY GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG (7/1954 - 5/1955), Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Chiều 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu toàn thắng” đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta và là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 đã tạo ra những điều kiện quyết định thắng lợi cho nhân dân ta trong cuộc đàm phán ở Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ngày 20/7/1954, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ. Nước Pháp cam kết rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết là vĩ tuyến 17: Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, quân đội Pháp ở phía Nam giới tuyến. Lịch rút quân và chuyển quân của quân đội Pháp được quy định: Chu vi Hà Nội 80 ngày, chu vi Hải Dương 100 ngày, chu vi Hải Phòng 300 ngày.

Là vị trí chiến lược quan trọng nhất của khu tập kết 300 ngày. Với hệ thống cảng biển, sân bay Cát Bi, sân bay Kiến An, sân bay Đồ Sơn… Hải Phòng - Kiến An trở thành cầu nối duy nhất giữa miền Nam và miền Bắc trong giai đoạn này. Đây là nơi thực dân Pháp chuyên chở binh lính vào Nam, cùng đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, gài gián điệp trước khi rút khỏi miền Bắc.

Ngay sau khi ký kết, Pháp đã trắng trợn vi phạm Hiệp định bằng hành động vây ráp bắt lính, cướp đoạt tài sản, tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nghiêm trọng hơn là âm mưu thâm độc cưỡng ép, dụ dỗ nhân dân miền Bắc di cư, phá hoại và chuyên chở máy móc tài sản vào Nam… Được Mỹ trực tiếp chỉ huy, quân đội Pháp và các đảng phái phản động ráo riết hoạt động, để phục vụ cho âm mưu phá hoại việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ. Chúng một mặt luôn tìm cách dụ dỗ và cưỡng bức quần chúng di cư vào nam, nhất là với quần chúng tôn giáo, mặt khác tiến hành những hoạt động phá hoại trên các mặt cơ sở kinh tế, văn hóa... trước khi chúng rút đi. Chính vì thế cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ nói chung, tiếp quản Hải Phòng nói riêng tuy là không có tiếng súng, không phải chiến đấu vũ trang như trước đó, nhưng cũng hết sức cam go. Đảng bộ thành phố Hải Phòng cùng với nhân dân, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch, dụ dỗ cưỡng bức… di cư vào Nam, tuyên truyền để làm rõ những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Tuy là không ngăn chặn được toàn bộ nhưng cũng làm thất bại một phần ý đồ của đối phương.

Ngoài các hình thức tuyên truyền, tích cực vận động quần chúng đấu tranh bảo vệ các cơ sở kinh tế, các cơ sở văn hóa mà trong đó nổi lên là đấu tranh giai cấp công nhân trong thành phố, bảo vệ các nhà máy, cơ sở sản xuất, không cho địch tháo dỡ các chi tiết, kỹ thuật hoặc các bản sơ đồ về máy móc, trang thiết bị nhằm giữ vững và ổn định sản xuất sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Cuộc đấu tranh này kéo dài trong suốt 300 ngày, cho đến ngày 13/5/1955 quân Pháp rút khỏi Hải Phòng cũng là kết thúc quá trình đấu tranh thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ trên địa bàn thành phố. Đây đồng thời cũng là sự kiện đánh dấu miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Và từ đây miền Bắc bước vào thời kỳ mới - khôi phục kinh tế, văn hóa và bước vào thời kỳ quá độ lên XHCN.

Hải Phòng sạch bóng quân thù, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thành phố cảng sôi động khi đoàn xe lửa rước cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ tiến vào Cảng. Nhà máy, công sở và những con tầu đồng loạt cất lên hồi còi dài chào mừng ngày lịch sử quang vinh của đất cảng, của dân tộc.

Lá cờ đỏ sao vàng chiến thắng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hải Phòng, báo hiệu một trang sử mới bắt đầu. Ngày 13/5/1955, mãi mãi khắc sâu vào trí nhớ người dân đất Cảng giờ phút vinh quang hào hùng của thành phố “Trung dũng- Quyết thắng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú theo dõi ngày giải phóng Hải Phòng. Ngày 18/5/1955, trên Báo Nhân dân, Người xúc động viết lên những dòng cảm mến tự hào: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, hôm nay Hải Phòng đã vươn mình dậy giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân. Hàng vạn đồng bào, già trẻ, gái trai, đủ các tầng lớp toả ra hoan nghênh bộ đội và cán bộ. Nét mặt mọi người như mùa xuân hoa nở. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu đã kết quả vẻ vang. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng. Hải Phòng đã hoàn toàn giải phóng”. Thành phố Hải Phòng và khu 300 ngày được giải phóng, Miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

* Ý nghĩa lịch sử cuộc đấu tranh 300 ngày giải phóng Hải Phòng

Một là, hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Hải Phòng trở thành địa bàn cuối cùng ở miền Bắc còn nằm dưới sự kiểm soát của thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh 300 ngày tiếp quản thành phố thể hiện sự khéo léo, bản lĩnh chính trị của Đảng, kết hợp đấu tranh ngoại giao, quân sự và quần chúng để buộc Pháp rút lui trong hòa bình, bảo toàn nguyên vẹn cơ sở hạ tầng và đời sống Nhân dân.

Hai là, mở ra một chương sử mới, thời kỳ phát triển mới: Thắng lợi của cuộc đấu tranh là cơ sở tạo điều kiện để xây dựng Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, kinh tế, thương mại và quốc phòng trọng yếu của miền Bắc, góp phần quan trọng xây dựng miền Bắc vững mạnh, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ba là, khẳng định sức mạnh của Nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc: Thắng lợi của cuộc đấu tranh và tiếp quản thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An thể hiện sự kiên trì đấu tranh, không sợ hy sinh, luôn luôn tin tưởng và đi theo đường lối chủ trưởng của Đảng, không khuất phục trước sự kiểm soát của thực dân Pháp trong suốt 300 ngày của quân và dân Hải Phòng - Kiến An. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của quân và dân thành phố Cảng, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cách mạng Việt Nam.

* Bài học kinh nghiệm

Cuộc đấu tranh 300 ngày giải phóng Hải Phòng không chỉ là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi toàn diện của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn để lại nhiều bài học quý báu trong công tác lãnh đạo, tổ chức đấu tranh, tiếp quản chính quyền và phát triển đất nước. Những bài học này tiếp tục được vận dụng linh hoạt trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Một là, về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng: Thực tiễn cuộc đấu tranh cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là yếu tố quyết định thắng lợi. Đảng ta đã đề ra chủ trương đấu tranh hòa bình, sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao và quần chúng thay vì đối đầu quân sự, giúp bảo toàn lực lượng, giữ vững trật tự xã hội và đảm bảo tiếp quản thành phố an toàn.

Hai là, về phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân: Cuộc đấu tranh 300 ngày cho thấy vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân trong cách mạng. Nhân dân Hải Phòng – Kiến An đã kiên trì đấu tranh dưới nhiều hình thức như mít tinh, biểu tình, vận động binh lính Pháp, chống lại các âm mưu lôi kéo, phá hoại của các thế lực phản động.

Ba là, về đấu tranh chính trị, ngoại giao khéo léo: Việc tiếp quản Hải Phòng – Kiến An trong hòa bình thể hiện nghệ thuật đấu tranh chính trị, ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên quyết của Đảng và Chính phủ ta. Trong suốt 300 ngày, ta kiên trì yêu cầu Pháp thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng thời ngăn chặn những âm mưu trì hoãn, gây rối.

Bốn là, về bảo vệ chính quyền cách mạng và ổn định xã hội: Ngay từ khi tiếp quản, Đảng ta đã có sự chuẩn bị chu đáo, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, không để xảy ra tình trạng hỗn loạn, xáo trộn. Điều này giúp chính quyền cách mạng nhanh chóng đi vào hoạt động, tổ chức sản xuất và ổn định đời sống Nhân dân.

Năm là, về phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới: Hải Phòng là một trung tâm công nghiệp, thương mại và cảng biển quan trọng. Việc tiếp quản thành phố trong hòa bình giúp bảo toàn cơ sở vật chất, duy trì hoạt động sản xuất, thương mại và từng bước khôi phục nền kinh tế.

III. NHỮNG THÀNH TỰU CỦA ĐẢNG BỘ, QUÂN VÀ DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG TRONG 70 NĂM CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

1. Hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của hậu phương trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội

Giai đoạn (1955-1965), Đảng bộ, quân và Nhân dân thành phố đã khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa, thực hiện chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa. Thành phố đã tập trung khôi phục các nhà máy, xí nghiệp bị tàn phá trong chiến tranh. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp dần được ổn định và phát triển. Cảng Hải Phòng trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của miền Bắc với thế giới. Hệ thống giao thông, điện, nước và các công trình công cộng được khôi phục và xây dựng mới. Thành phố từng bước thay đổi diện mạo, trở nên khang trang hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được ổn định. Các chính sách hỗ trợ được triển khai để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn sau chiến tranh... Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào sự phục hồi và phát triển của Hải Phòng, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong những năm tiếp theo.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và Cam-pu-chia, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ và Nhân dân Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thắng lợi to lớn trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, đặc biệt là trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, phong toả của đế quốc Mỹ, giữ vững sản xuất, ổn định đời sống, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, cho đồng bào miền Nam tình cảm sâu sắc với tinh thần “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Vì Đà Nẵng - Gò Công kết nghĩa” và đi đầu trong thực hiện phong trào “Thóc không thiếu cân, quân không thiếu người”, tiến lên “Thóc thừa cân, quân thừa người”, làm tròn trách nhiệm của thành phố Cảng, hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Liên tục 11 năm (1965-1975) hoàn thành và hoàn thành vượt mức 30 đợt tuyển quân (đạt 103,9% chỉ tiêu); tỷ lệ tuyển quân đạt 9,45% so với dân số. Kể từ trận đầu bắn rơi máy bay Mỹ trên đảo Bạch Long Vĩ (ngày 26/3/1965) đến chiến thắng oanh liệt trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Hải Phòng đã chiến đấu trên 4.000 trận, bắn rơi 317 máy bay Mỹ (có 5 chiếc B-52), bắt sống 16 giặc lái Mỹ; 8 lần bắn cháy tàu chiến địch. Xây dựng chiến tranh nhân dân trên biển, tổ chức theo dõi, rà phá, tháo gỡ 895 quả bom, thủy lôi, bảo đảm thông luồng lạch ra vào Cảng Hải Phòng để tiếp nhận sự viện trợ của bạn bè quốc tế và chi viện cho các chiến trường. Ghi nhận, biểu dương những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng, Bác Hồ đã 3 lần gửi thư khen và tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; Đảng và Nhà nước trao tặng thành phố Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất và đặc biệt, năm 1985, thành phố được vinh dự đón nhận Huân chương Sao vàng.

Ra khỏi chiến tranh, Hải Phòng cùng cả nước lại đứng trước những khó khăn, thử thách cam go và không kém phần khốc liệt: Đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới và chính sách bao vây cấm vận, chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, trong đó Hải Phòng là một trọng điểm. Cùng với đó, nhược điểm của mô hình và cơ chế quản lý của thời kỳ bao cấp đã bộc lộ và trở thành lực cản với phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng với bản lĩnh vững vàng, dày dạn kinh nghiệm, với tư duy năng động, sáng tạo, Hải Phòng đã nhanh chóng hồi sinh từ đống đổ nát hoang tàn sau chiến tranh, từng bước đứng vững và vượt lên khó khăn, thách thức. Với tinh thần phát huy dân chủ, dựa vào dân, thực hiện phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra”, nghiên cứu tổng kết các mô hình hay, cách nghĩ, cách làm sáng tạo từ cơ sở; những tư tưởng mang tính đột phá trong thực hiện quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”; bản lĩnh, sự năng động cùng với kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ thành phố và trí tuệ của các tầng lớp nhân dân Hải Phòng lại thêm một lần tỏa sáng. Hải Phòng luôn biết cách tìm ra những lối đi riêng mang tính bứt phá để vươn lên, tự hào đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học và kết quả thực tiễn, góp phần vào quá trình hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng ta. Điều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân thành phố: “Hải Phòng là một trong những địa phương khởi phát của sự đổi mới tư duy lãnh đạo, từ phong trào khoán mới đến quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “dân vận khéo”… đã tạo những viên gạch đầu tiên hình thành đường lối đổi mới toàn diện của cả nước…”.

2. Những thành tựu đạt được qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới

Qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật là:

2.1. Công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức và cán bộ được quan tâm, góp phần củng cố vững chắc tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ

Đảng bộ thành phố luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, đã tạo nên sự thống nhất, vững vàng trong định hướng phát triển của thành phố. Tiên phong trong đổi mới tư duy, đề xuất nhiều cơ chế mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng với nhiều mô hình sáng tạo( ). Việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được thực hiện quyết liệt, hiệu quả; chú trọng thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các vi phạm, góp phần răn đe, phòng ngừa và giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Có nhiều đổi mới trong quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển và đào tạo cán bộ, bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các quy định của Đảng. Quan tâm phát triển tổ chức đảng, đảng viên mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và củng cố tổ chức đảng trong các đơn vị ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm túc, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Các nguyên tắc “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” được thực hiện triệt để, góp phần nâng cao tính răn đe và giáo dục trong Đảng. Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp cũng được triển khai đồng bộ, bài bản, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, đồng thời đẩy mạnh cải cách tư pháp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.

2.2. Dân chủ xã hội được phát huy, đảm bảo người dân làm chủ, đồng hành và thụ hưởng thành quả cách mạng

Từ thực tiễn phường Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) và xã Đông Sơn (huyện Thuỷ Nguyên) vào năm 1983, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Đại hội VI (1986) của Đảng đưa vào Nghị quyết Đại hội và trở thành phương châm thực hiện thống nhất trong cả nước. Đến Đại hội XV, XVI Đảng bộ thành phố, qua thực tiễn, Thành uỷ đã bổ sung thành tố “dân thụ hưởng”, đây là luận cứ quan trọng để Đại hội XIII của Đảng đề ra quan điểm toàn diện về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, mở rộng và kiên trì phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Dân chủ trong Đảng không ngừng được mở rộng và nâng cao; dân chủ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có nhiều chuyển biến; phát huy dân chủ trong các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều tiến bộ. Thành ủy và cấp ủy các cấp chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, tôn giáo. Vai trò liên minh chính trị và tập hợp, vận động Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị- xã hội được tăng cường. Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, góp phần tuyên truyền, vận động, tập hợp Nhân dân tích cực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Các chủ trương, cơ chế, chính sách của thành phố, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người dân đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên trước khi ban hành. Công tác giám sát, phản biện xã hội có bước tiến rõ nét, lựa chọn nội dung, mở rộng hình thức giám sát theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị, những vấn đề dư luận xã hội và Nhân dân quan tâm; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của hội đồng tư vấn, người có uy tín, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức.

2.3. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách nhà nước và huy động vốn đầu tư trên địa bàn thành phố tăng vượt bậc, tạo nguồn lực phát triển thành phố

Quy mô nền kinh tế thường xuyên duy trì vị trí thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. Quy mô năm 2024 gấp 5,16 lần năm 2010, 3,4 lần năm 2015 và 2,34 lần năm 2020( ). Là địa phương duy nhất duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 11,01%, cao hơn khoảng 1,55 lần so với bình quân chung cả nước. Giai đoạn 2021 - 2024 đạt 11,53%/năm, gấp 1,63 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm).

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng( ). Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Giai đoạn 2020 - 2025, tập trung cao hoàn thiện các thành phần kinh tế, gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 43% năm 2018 lên 43,86% năm 2024, trong đó, giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao đạt 66%, đều vượt các chỉ tiêu đề ra.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, năm 2024 đạt 109.387,6 tỷ đồng gấp 6,5 lần năm 2010( ). Thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2024 đạt 414.113 tỷ đồng, bằng 1,62 lần giai đoạn 2011 - 2015 (256.119 tỷ đồng). Huy động vốn đầu tư phát triển tăng đột phá, giai đoạn 2021 - 2024 đạt 759.263,4 tỷ đồng, bằng 3,73 lần giai đoạn 2011 - 2015 (203.604,03 tỷ đồng) và 1,45 lần giai đoạn 2016 - 2020 (523.270,31 tỷ đồng). Vốn thực hiện khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội( ).

Năng suất lao động tăng trưởng khá cao. Theo giá hiện hành, năm 2020 đạt 254,99 triệu/lao động, bằng 2,12 lần năm 2015 và 2,05 lần bình quân chung cả nước (124,4 triệu đồng); năm 2023 đạt 392,1 triệu đồng, bằng 1,97 lần bình quân cả nước (199,3 triệu đồng) và 1,54 lần năm 2020. Năm 2023, Hải Phòng nằm trong nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước, chỉ đứng sau Bà Rịa - Vũng Tàu (675,5 triệu đồng) và Quảng Ninh (405,7 triệu đồng).

2.4. Phát triển văn hóa toàn diện, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng thành phố và đất nước văn minh, hạnh phúc

Hải Phòng luôn đề cao, coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống mang đặc trưng bản sắc Hải Phòng. Đặc biệt từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương, các hoạt động văn hóa đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội, tạo nguồn lực lớn cho xây dựng và phát triển, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Đến năm 2024, toàn thành phố có 555 di tích được xếp hạng các cấp; có 02 di sản văn hóa phi vật thể, 01 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO vinh danh( ) và nhiều di sản tiêu biểu khác( ). Giai đoạn 2018 - 2024, thành phố đã công trợ 52 tỷ đồng, các địa phương huy động xã hội hóa gần 230 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo 146 di tích.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa thành phố lành mạnh, văn minh, hiện đại( ). Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, duy trì, phát triển và đổi mới nội dung, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Hải Phòng được duy trì, tổ chức đúng định hướng của Nhà nước và thực sự trở thành ngày hội của Nhân dân, như: Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội Làng cá Cát Bà, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ…

Tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người rộng khắp ra cả nước và nước ngoài: Cuộc thi sáng tác biểu tượng thành phố được tổ chức từ năm 1992 kết thúc vào năm 2024( ); Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Hải Phòng khát vọng vươn lên” được tổ chức trong 02 năm 2016 - 2017( ); Cuộc thi Sáng tác các ca khúc về thành phố được tổ chức vào năm 2023( )...

2.5. Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng con người Hải Phòng có tri thức, tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Công tác giáo dục đào tạo của thành phố phát triển khá toàn diện, chất lượng được nâng lên. Giáo dục mũi nhọn đạt thành tích cao, liên tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế( ); chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao( ). Quy mô giáo dục tiếp tục ổn định, vững chắc cả về cơ cấu, loại hình trường lớp, cơ sở vật chất được tăng cường( ).

Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển theo hướng ứng dụng, thực hành bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kĩ thuật, công nghệ của thị trường lao động( ). Đội ngũ nhân lực chất lượng cao có sự phát triển, thích nghi dần với cơ chế thị trường( ). Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần qua các năm( ), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ từ 3 tháng tăng từ 34% năm 2019 lên 39% năm 2024. Các trường đại học bước đầu thể hiện vai trò là trung tâm đào tạo của khu vực duyên hải Bắc Bộ, cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo các ngành nghề liên quan đến thế mạnh của thành phố, như: đóng tàu, vận tải biển, kinh tế biển, điện - điện tử, cơ khí, công nghệ ô tô, logistics, tài chính, xuất nhập khẩu... Lao động qua đào tạo tham gia vào hầu hết các lĩnh vực và bước đầu có thể đảm nhận các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện( ).

Tập trung đầu tư phát triển Trường Đại học Hải Phòng( ) và một số trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố thành trường chất lượng cao, bảo đảm năng lực đào tạo lao động chất lượng cao, có kỹ năng nghề ở một số nghề trọng điểm, có lợi thế. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài theo từng ngành, lĩnh vực, đào tạo, tập huấn tại nước ngoài diện học bổng, thỏa thuận hợp tác từ chính phủ từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc… hoặc từ các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

2.6. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, thể chất của người dân

Số giường bệnh trên một vạn dân tăng từ 21,9 năm 2010 lên 28 năm 2020 và 45,9 năm 2024, cao hơn bình quân chung cả nước (42 giường). Số bác sỹ trên một vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên 13,27 năm 2019 và 15,27 năm 2024, cao hơn bình quân chung cả nước (14 bác sĩ). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 88,41% năm 2019 lên 94,1% năm 2024. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đứng thứ 5, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi đứng thứ 4 toàn quốc. Tuổi thọ trung bình tăng và luôn cao hơn trung bình của cả nước( ).

Mạng lưới khám chữa bệnh từ tuyến thành phố đến cơ sở được mở rộng, nâng cấp ở 3 cấp, bao gồm 2 lĩnh vực chính là y tế dự phòng và khám chữa bệnh. Đến năm 2024, có 95% xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030. Là 1 trong 8 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế chọn triển khai thực hiện thí điểm mô hình phòng khám Bác sỹ gia đình; có gần 200 bác sỹ được cấp chứng chỉ hành nghề, 15 phòng khám bác sỹ gia đình được thẩm định và cho phép triển khai hoạt động. Hệ thống y tế ngoài công lập đã phát triển nhanh, giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập, cơ bản đã khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến thành phố( ).

Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Bệnh viện tuyến thành phố tiếp tục duy trì thực hiện thường quy các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu. Các đơn vị tuyến huyện tích cực phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, đã thực hiện thành thục các kỹ thuật như: Phẫu thuật cắt tử cung bán phần, toàn phần; phẫu thuật lấy sỏi mật, sỏi tiết niệu; phẫu thuật tuyến giáp, kết hợp xương; phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi chẩn đoán - can thiệp, một số kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng… Năm 2023, triển khai thành công kỹ thuật ghép tạng; năm 2024, tiếp tục thực hiện thành công 02 ca ghép thận và 02 ca ghép giác mạc, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế thành phố...

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 38% vào năm 2024. Phát triển đa dạng các loại hình với hơn 2.000 câu lạc bộ, đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân, như các CLB: dân vũ, khiêu vũ thể thao, cầu lông, bơi lội, đua thuyền, cờ tướng; mô hình “Điểm rèn luyện thể chất công đoàn” của Liên đoàn Lao động thành phố; mô hình “Sân chơi cộng đồng”, “Khu vui chơi cho thanh thiếu nhi” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố...

2.7. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, điều kiện sống, mức sống để người dân có điều kiện phát triển toàn diện

Thực hiện hiệu quả phương châm “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế”, đã rà soát, nghiên cứu và ban hành 15 nghị quyết với nhiều chính sách đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực an sinh xã hội( ), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội: Đứng đầu cả nước về mức quà tặng đối với thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng( ); mức trợ giúp xã hội từ năm 2020 nâng lên bằng 1,4 lần mức chuẩn quy định; số đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp nâng lên( ); tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước và Vùng đồng bằng sông Hồng( ); người nghèo được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu được nhiều kết quả nổi bật, là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số 10 năm liên tiếp, tính đến năm 2024. Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người dân. Giai đoạn 2021 - 2024 trung bình mỗi năm đã giải quyết việc làm cho 5,58 vạn lượt lao động. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm dần qua các năm, từ 4,3% năm 2010 xuống 3,1% năm 2015, tăng lên 3,68% năm 2020 (do ảnh hưởng của COVID-19) và lại giảm xuống 3,5% vào năm 2024. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.742USSD, năm 2015 đạt 2.857 USD, năm 2020 đạt 5.863 USD, năm 2024 đạt 8.665 USD bằng 4,97 lần năm 2010, 3,03 lần năm 2015 và 1,48 lần năm 2020…

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị đã góp phần quan trọng cải thiện rõ rệt về điều kiện sống của người dân thành phố. Tại khu vực đô thị, thành phố đã triển khai nâng cấp đô thị trung tâm, hoàn thành đưa vào sử dụng 08 công viên trên địa bàn các quận nội thành. Thành ủy đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2030, kết quả đến năm 2024 đã có 11 dự án đang được triển khai với quy mô khoảng 91 ha với 20.941 căn hộ, đồng thời, triển khai cải tạo chung cư cũ, bước đầu đã đưa được một bộ phận người dân ra khỏi các khu chung cư cũ nát, mất an toàn.

2.8. Quốc phòng được tăng cường, an ninh được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại, hợp tác phát triển được triển khai đồng bộ, sáng tạo

Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm xây dựng thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân. Triển khai hiệu quả chủ trương biên chế công an chính quy về các xã trên địa bàn thành phố( ); tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế có xu hướng giảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông thành phố được bảo đảm, cuộc sống của Nhân dân được bình yên.

Nâng cao chất lượng tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, bảo đảm đúng, đủ chỉ tiêu theo quy định( ). Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu đủ về số lượng, chất lượng, trình độ quân sự, chuyên môn giỏi; sắp xếp lực lượng dự bị động viên bảo đảm 100% cho các đầu mối đơn vị, quân số đạt trên 98%, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 75% trở lên, tạo cơ sở để kịp thời phát triển lực lượng khi cần thiết. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, số lượng hợp lý đảm bảo tính cơ động( ).

Tập trung xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng; kết hợp chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân; giữa an ninh, quốc phòng với kinh tế, đối ngoại. Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân rộng mô hình “Xã, thị trấn điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị” và kịp thời động viên, khen thưởng.

Đến năm 2024, Hải Phòng có giao thương với trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ hợp tác hữu nghị/kết nghĩa với 26 địa phương ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Lào,...; có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Hải Phòng với 853 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư trên 24,5 tỷ USD; gần 50 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai chương trình, dự án, phi dự án tại Hải Phòng…

Giai đoạn 2020 - 2025 đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đón tiếp, bảo vệ an toàn cho 15 lượt tàu nước ngoài đến thăm và làm việc tại Hải Phòng; tham gia và tổ chức tốt các hoạt động giao lưu sĩ quan trẻ Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc, các hoạt động tuần tra liên hợp giữa các lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc nhằm duy trì an ninh trật tự, luật pháp quốc tế trên biển, bảo tồn, khai thác bền vững tài nguyên, sinh vật biển trong khu vực biển Vịnh Bắc Bộ, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau.

Tham gia ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 04 địa phương dọc theo trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái; đăng cai tổ chức Hội nghị giao ban vùng và Diễn đàn Liên kết phát triển hạ tầng khu công nghiệp; thành lập Tổ điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng tại Hải Phòng. Năm 2024, Hải Phòng triển khai chương trình hợp tác với 07 địa phương trong cả nước: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La, Đà Nẵng trong các lĩnh vực công thương, du lịch, hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải; từ đó góp phần tăng vị thế, uy tín của thành phố ở trong nước và trên trường quốc tế.

Phát huy truyền thống vẻ vang được hội tụ từ hàng ngàn năm của miền đất và con người Hải Phòng; truyền thống Trung dũng - Quyết thắng trong đấu tranh cách mạng và năng động, sáng tạo qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển thành phố; dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và các lực lượng vũ trang thành phố Hải Phòng đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng và phát triển Thành phố trở thành thành phố gương mẫu của cả nước như lời Bác Hồ đã căn dặn và thực hiện thắng lợi các mục tiêu được Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) xác định, tiếp tục đóng góp xứng đáng trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời giai tới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập 2, Nhà xuất bản Hải Phòng năm 1991.

2. Hải Phòng - lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội năm 1989.

3. Tài liệu tuyên truyền Thành phố Hải Phòng 65 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển năm 2020.

4. Báo cáo Nghị quyết số 238-BC/TU ngày 10/4/2018 về việc Tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị Quyết số 32 -NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

5. Báo cáo Nghị quyết số 555-BC/TU ngày 25/6/2024 về việc sơ kết thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Biên tập viên UBND Xã An Hồng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới